TRƯỜNG TH TRÙNG KHÁNH
PHÒNG Y TẾ
|
TRUYỀN THÔNG
|
BÀI TUYÊN TRUYỀN TẠI SAO VÀ KHI NÀO CẦN CHẢI RĂNG
CHẢI RĂNG NHƯ THẾ NÀO ĐÚNG CÁCH
Chải răng có lẽ là hoạt động quan trọng nhất bạn thực hiện hàng ngày để giữ cho hàm răng mình được khỏe mạnh. Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng biết rõ tại sao phải chải răng, chải răng khi nào và như thế nào là đúng?
Hiểu được tầm quan trọng của việc chải răng, tôi xin đưa ra cho các bạn một số lời khuyên nho nhỏ sau, giúp các bạn học sinh có thể tự mình chăm sóc răng miệng hàng ngày để có một hàm răng chắc khoẻ, sáng bóng và hơi thở thơm tho.
1. Tại sao phải chải răng?
Chải răng là động tác cơ bản nhất để làm sạch răng, giúp lợi chắc khỏe. Đây là các động tác cơ học để làm sạch tất cả các răng hàm trên, hàm dưới và xoa nắn lợi, loại bỏ thức ăn, mảng bám vi khuẩn đọng lại ở rãnh lợi, kẽ răng.
Fluor trong kem đánh răng có tác dụng tại chỗ. Nếu sử dụng đủ liều và đều đặn hằng ngày, nó ngấm vào lớp men răng, làm cho men răng cứng chắc hơn và ít bị hòa tan bởi acid trong môi trường miệng, đề kháng với sâu răng.
2. Chải răng khi nào?
Việc chải răng phải được thực hiện thường xuyên, đều đặn, tạo thành thói quen vệ sinh hằng ngày. Nên chải răng sau khi ăn. Thông thường đối với người lớn, mỗi ngày chải răng ít nhất là hai lần: một lần sau bữa ăn sáng và một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đối với trẻ em, mỗi ngày nên chải ít nhất là 3 lần: sau khi ăn, sau ăn trưa và trước khi đi ngủ. Đặc biệt chải răng trước khi đi ngủ rất quan trọng vì lúc này cơ thể giảm tiết nước bọt, lưu lượng nước bọt giảm – yếu tố làm sạch bề mặt răng tự nhiên giảm nên nguy cơ sâu răng tăng rất cao vào thời điểm này. Đừng chải răng ngay sau khi ăn, đặc biệt sau khi ăn những loại có tính axit như cam, chanh, vì men răng đã bị axit làm yếu đi, và nếu chải răng ngay, bạn sẽ chải mất lớp men đó. Hãy chải răng ít nhất 1 giờ sau khi ăn, khi đó men răng đã cứng cáp hơn. Khi chải răng không nên dùng kem chải răng cùng với các loại nước súc miệng
3. Chải răng như thế nào?
- Đầu tiên chúng ta cần lựa chọn bàn chải răng và kem đánh răng:
Muốn chải răng sạch, phải dùng loại bàn chải vừa miệng, vừa tay, lông có độ mềm vừa phải. Nếu lông bàn chải cứng quá sẽ làm răng bị mòn, đau nướu và có thể làm tổn thương lợi. Nếu lông bàn chải quá mềm sẽ không có tác dụng làm sạch răng và lợi. Sau thời gian sử dụng khoảng 6 – 8 tuần, khi mà lông bàn chải bị toè đi là lúc nên thay bàn chải mới.
- Kem đánh răng có vai trò hỗ trợ, giúp cho việc chải răng được dễ dàng và đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu khi chải răng vì trong kem đánh răng có chất tạo mùi thơm, tạo bọt, chất làm trắng, giúp răng trắng bóng hơn nếu chải đúng cách và thường xuyên. Hiện nay, hầu hết các loại kem đánh răng do các công ty sản xuất, đều có chất fluor với hàm lượng vừa đủ và có tác dụng phòng ngừa sâu răng nếu sử dụng đúng cách.
Khi sử dụng kem đánh răng có fluor cần lưu ý: Kem đánh răng có 2 loại cơ bản: loại dành cho trẻ em và loại dành cho người lớn. Tránh trường hợp cho trẻ em dùng chung loại kem của người lớn. Nếu sử dụng lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng răng bị nhiễm sắc fluor làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, như răng bị trắng đục, mất đi độ bóng tự nhiên. Đối với những người răng hay bị ê buốt, nên đi khám nha sỹ để có lời khuyên hợp lý về cách chọn loại kem chải răng vì có các loại kem chải răng dành riêng cho răng bị nhạy cảm, không nên dùng các kem chải răng có nhiều chất làm trắng răng.
- Cần chải cả 3 mặt của răng: mặt trong, mặt ngoài và mặt nhai.
Ở mặt ngoài, mặt trong các răng phía sau: đặt bàn chải tạo theo góc 45o so với trục của răng, hướng lông bàn chải về phía lợi và dịch chuyển bàn chải theo hướng ngoài-trong theo kiểu xoay tròn. Lông bàn chải đặt nghiêng về phía lợi tạo thành một góc 45o không những giúp chải sạch thức ăn tồn đọng mà còn có tác dụng xoa nắn lợi.
Ở mặt nhai của răng: đặt bàn chải vuông góc với mặt nhai và dịch chuyển theo chiều ngoài trong từng đoạn ngắn. Ở mặt trong của các răng phía trước: nghiêng bàn chải hơi đứng và dùng đầu bản chải đánh nhẹ lên xuống.
Khi chải răng đừng quên chải lưỡi. Chải lưỡi từ trong ra ngoài bằng động tác quét để lấy ra các mảnh thức ăn còn dính và giúp cho hơi thở thơm tho. Các rãnh trên lưỡi là nơi có chứa nhiều mảnh vụn thức ăn chuyển hóa yếm khí tạo ra các chất gây hôi miệng.
Chải răng chỉ có thể lấy sạch thức ăn và mảng bám trên 3 mặt răng, còn 2 mặt tiếp xúc giữa 2 răng thì chúng ta phải nhờ đến sự giúp đỡ của chỉ tơ nha khoa. Dùng chỉ tơ nha khoa hằng ngày (sau khi ăn hoặc trước khi đánh răng) để làm sạch bựa răng và các mảnh thức ăn còn đọng ở các kẽ răng.
Ngoài ra, để có một hàm răng chắc khoẻ, sáng bóng và hơi thở thơm mát, bạn cũng nên thường xuyên đến gặp nha sỹ. Nha sỹ sẽ hướng dẫn bạn cách vệ sinh răng miệng, cách kiểm soát mảng bám và phát hiện các tổn thương sớm để có điều trị kịp thời. Đặc biệt đối với trẻ em, ngay từ khi có chiếc răng mọc đầu tiên, nên cho trẻ đi khám răng miệng ở bác sỹ chuyên Răng trẻ em, để ngay từ đầu có thể giúp trẻ hình thành nên thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách.
|
Yết Kiêu, ngày 18 tháng 12 năm 2014
Người thực hiện
Phạm Thị Loan
|